Nhận định cá chết ở vùng ven biển miền Trung những ngày qua là cá tầng đáy, một số chuyên gia cho rằng có thể thủ phạm là chất Xyanua. Trong khi đó, Tổng cục Môi trường cho biết, việc xác định nguyên nhân cá chết rất phức tạp.
TS Bùi Quang Tề, nguyên Viện trưởng Viện Nuôi trồng Thủy sản nhận định, tình trạng ô nhiễm ở khu vực cá chết phải rất nặng. Ông cho biết, ở mức độ ô nhiễm nhẹ sẽ xuất hiện tình trạng tảo nở hoa giống như ở Ninh Thuận, Bình Thuận năm 2001. Khi ấy, ô nhiễm làm tảo nở hoa ở một vùng dài 25 km, rộng 5km gây ra tình trạng cá chết. Ở trường hợp đang xảy ra tại Bắc Trung bộ, ô nhiễm phải rất nặng nên không qua giai đoạn tảo nở hoa đã làm cá chết hàng loạt như thế.
Ông Tề cho biết thêm, vùng ven biển Bắc Trung bộ có một dòng hải lưu. Nguồn ô nhiễm có thể xuất phát từ một vị trí nào đó, chất độc sau đó trôi theo dòng hải lưu đi qua vùng biển gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở một vùng biển rộng lớn, kéo dài như thế.
Một chuyên gia thủy sản lâu năm (đề nghị giấu tên) cho biết, qua quan sát ông thấy cá chết là cá tầng đáy, tức là cá ở vùng rạn đá, vùng san hô. Nghĩa là, không chỉ cá nổi lên trên bề mặt mà các sinh vật nhuyễn thể tầng đáy cũng có thể bị chết, rặng san hô bị tổn thương nghiêm trọng. Vùng này lại có chức năng tái tạo. Các loài cá, cua, ốc… khi sinh sản tìm về đây vì vừa có nguồn thức ăn lại có nơi trú ẩn. Nếu vùng này bị ô nhiễm, rặng san hô bị tổn thương thì chức năng sinh sản, tái tạo bị mất, hệ sinh thái sẽ bị chết. “Ở Việt Nam từng có vùng bị tình trạng như vậy. Phải mất 3-5 năm hệ sinh thái bị mất mới được phục hồi”, chuyên gia này nói.
Ông cho biết thêm, có 3 khả năng dẫn đến cá chết hàng loạt như vậy là nhiệt độ, tảo nở hoa và chất độc xyanua. “Tôi nghiêng về phương án chất độc xyanua vì cá chết từ tầng đáy. Trên thế giới có nhiều trường hợp cá chết hàng loạt do Xyanua. Tuy nhiên, đây là giả thiết mang tính gợi ý. Nguyên nhân trực tiếp phải do các cơ quan chức năng khảo sát, lấy mẫu đánh giá”, vị này nói. Xyanua là một chất độc mạnh, thải ra từ quá trình khai thác mỏ, nhất là khai thác vàng, công nghiệp hóa chất hữu cơ, những công việc liên quan đến sắt và thép.
Năm 2008 từng xảy ra tình trạng cá chết liên tiếp ở gần khu khai thác vàng Bồng Miêu, tỉnh Quảng Nam. Cục Kiểm soát ô nhiễm, Tổng cục Môi trường khi đó đã lấy mẫu và kết luận có hiện tượng tràn nước thải từ đập 3 vào đập 1 của Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu. Nước thải vào đập 3 có 14/22 thông số đo đạc vượt TCVN 5945:2005, trong đó hầu hết các kim loại nặng đều vượt chuẩn, đặc biệt trong đó hàm lượng xyanua vượt TCVN 687 lần.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, đơn vị này đã cử đoàn vào thực tế để nắm bắt thông tin, lấy mẫu nước, mẫu cá để phân tích đồng thời kiểm tra một số nguồn thải có khả năng gây ra sự cố trên.
Tổng cục Môi trường cũng tổ chức họp với một số chuyên gia để tìm hiểu vấn đề thủy văn, công nghệ, báo cáo đánh giá tác động môi trường của một số dự án. Trên cơ sở phân tích cả lý thuyết và thực tế phân tích để đưa ra nguyên nhân chính. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có văn bản gửi các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng bình, Quảng trị, Thừa Thiên - Huế để kiểm soát cá chết, tránh đưa cá ra thị trường.
Tuy nhiên, theo ông Tài, việc tìm nguyên nhân khá phức tạp vì vùng cá chết rất rộng, kéo dài qua nhiều tỉnh. “Có thể từ nguồn thải, có thể từ tự nhiên cũng có thể là vấn đề xuyên biên giới. Chúng tôi đang triển khai các bước để tìm nguyên nhân”, ông Tài nói.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, hiện tượng cá chết này rất bất thường vì có cả cá nuôi trong lồng, cá tự nhiên tầng mặt và tầng đáy. Ví dụ ở Quảng Trị, theo báo cáo, cá chết cách bờ tới 15 hải lý. Trong khi đặc điểm vùng biển này là bãi ngang, tức sóng đánh vuông góc với bờ. Vậy nên xác định nguồn ô nhiễm từ đâu không phải đơn giản. Về vấn đề này, Bộ trưởng đã chỉ đạo Tổng cục Biển Hải đảo nghiên cứu các dòng hải lưu để tìm xem nguyên nhân nào khiến cá chết như vậy.
Ông Tùng cho biết thêm, biển không giống như sông, nếu cá nuôi lồng ở sông, chỉ cần phát hiện sự ảnh hưởng về độ PH, ô xi hòa tan là tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt. Ở biển, cá chết có thể là do sức ép của âm thanh, sóng, động đất. Ngoài ra, trên biển các luồng hải văn rất phức tạp, việc phát hiện luồng đi của nguồn thải ô nhiễm không dễ nên việc tìm nguyên nhân gây chết cá trên biển phức tạp hơn nhiều.
Bình luận trên Facebook